Hè đến, nắng gắt, nhiệt độ tăng cao kéo theo nguy cơ bị sốc nhiệt ở thú cưng càng nhiều hơn. Mà sốc nhiệt lại có thể gây ra những hệ luỵ khôn lường, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy lưu ý cách phòng tránh, các dấu hiệu và cách xử lý sốc nhiệt ở thú cưng vô cùng quan trọng.
Cách phòng tránh sốc nhiệt cho thú cưng
Thú cưng có thể bị sốc nhiệt do một số nguyên nhân phổ biến như thay đổi nhiệt độ đột ngột, vận động quá sức dưới trời nóng, thiếu nước, béo phì ít vận động, hoặc do các bệnh lý như bệnh tim, bệnh hô hấp cản trở đường hô hấp.
Để tránh cho thú cưng bị sốc nhiệt vào mùa hè, Sen có thể lưu ý các điều sau:
📌 Tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao ở nơi sống của thú cưng (lồng hoặc nhà cho các bé)
📌 Cho thú cưng uống đủ nước, có chế độ ăn uống hợp lý với thức ăn dễ tiêu, thức ăn nhẹ, giàu nước để dễ tiêu hoá và cung cấp nước cho cơ thể.
📌 Chỉ cho thú cưng ra ngoài đi dạo hoặc vận động vào thời điểm mát mẻ như sáng sớm hoặc tối muộn.
📌 Trường hợp cần ra ngoài, lưu ý tuyệt đối không để thú cưng một mình trong ô tô nên đến nơi có bóng râm, tránh sân xi-măng, hay mặt đường nhựa nóng.
📌 Không nên cạo hết lông vì chúng có chức năng bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời và tia UV. Thay vào đó, tắm và cắt tỉa lông thường xuyên để giữ vệ sinh cho các bé.
Dấu hiệu thú cưng bị sốc nhiệt
Một số biểu hiện cho thấy thú cưng bị sốc nhiệt mà Sen nên quan sát để kịp thời xử lý:
📌 Bước đi mất phương hướng, mất thăng bằng
📌 Lè lưỡi, thở gấp, khó thở và sốt cao
📌 Nhiều nước bọt, lưỡi đỏ gắt nhưng nướu nhợt nhạt
📌 Nôn ói, co giật
📌 Cực kỳ khát nước
📌 Tim đập nhanh
📌 Xuất huyết dưới da và xuất huyết tiêu hóa
📌 Nhiệt độ trực tràng cao
Cách xử lý khi thú cưng bị sốc nhiệt
Khi phát hiện dấu hiệu thú cưng bị sốc nhiệt, Sen nên giữ bình tĩnh và có thể sơ cứu, hạ nhiệt cho bé theo các bước sau:
📌 Đưa thú cưng vào nơi có bóng râm, thoáng mát ngay lập tức.
📌 Tháo tháo vòng cổ, dây đeo ngực hoặc những đồ vật mặc trên cơ thể nếu có
📌 Làm mát cho thú cưng bằng cách sử dụng nước mát (tuyệt đối không dùng nước quá lạnh, nước đá hoặc đá) từ vòi sen, bình nước,... tưới lên cơ thể chó, đặc biệt là đầu và cổ.
📌 Phủ lên thú cưng một tấm khăn ướt nước mát, và thay khăn khi nó nóng lên.
📌 Sử dụng quạt gió, dùng ngón tay làm tơi lông để gió thổi qua lông giúp không khí được lưu thông.
📌 Nếu có thể, hãy đưa thú cưng vào bồn tắm với nước mát và đưa vào phòng có điều hoà với nhiệt độ khoảng 22 - 26°C, nên để khoảng 2 – 3 tiếng tắt điều hòa một lúc. Chú ý điều chỉnh nhiệt độ điều hòa sao cho phù hợp.
📌 Tiếp tục quan sát biểu hiện của thú cưng và đưa đến cơ sở thú y gần nhất. Nếu chỉ chảy nước dãi, thở gấp thì có thể là bị say nắng ở mức độ nhẹ. Nếu hô hấp khó khăn, khó thở, rơi vào trạng thái đờ đẫn thì ở mức độ khá nguy hiểm cần đưa đi thú y ngay.